Người chơi tự 'đốt coin' mong Luna tăng giá

Nhiều người sở hữu Luna rủ nhau tự hủy bớt các token của mình nhằm giúp giá của đồng Luna có thể tăng trở lại.

Phong trào này bắt đầu nổi lên từ 21/5, sau khi một người dùng có tên Roncin Antoine đề nghị hỗ trợ nhà sáng lập Do Kwon trong việc "đốt" các token. "Hãy đưa địa chỉ ví đốt Luna, chúng tôi sẽ làm giúp ông", Antoine viết.

"Đốt" là thuật ngữ chỉ việc gửi token đến một địa chỉ ví chết, nhằm đưa lượng token này ra khỏi lưu thông thị trường. Khi đó, nguồn cung giảm, khiến giá trị của mỗi token tăng lên.

Đáp lại Antoine, Kwon đã công khai địa chỉ ví này. Nó sau đó được lan truyền trên các cộng đồng Luna và được nhiều người hưởng ứng. #BurnLuna trở thành từ khóa thịnh hành trên Twitter, với hơn 18 nghìn tweet nói về chủ đề này.

Trong thảo luận về Terra trên diễn đàn Reddit, người dùng cho biết đã đốt hơn 85 triệu token trong ngày 22/5. Trên bài viết của Roncin Antoine, nhiều người chia sẻ ảnh màn hình cho thấy đã đốt từ vài chục đến vài trăm nghìn token này. Theo giá trị đồng Luna hôm 22/4, 100.000 Luna tương đương gần 20 USD, tức mỗi chủ sở hữu Luna tự bỏ đi từ vài đến vài chục USD của họ.

Sáng 23/5, Antoine cho biết có 247 triệu Luna bị đốt trong 24h trước đó, tương đương 47 nghìn USD. Theo số liệu từ hệ thống Bitquery, gần 2,5 nghìn lượt giao dịch chuyển Luna đến ví đốt nói trên, với số token hơn 276 triệu, tính đến chiều 23/5.

Tuy nhiên, đây vẫn là con số nhỏ so với tổng nguồn cung của tiền số này. Theo số liệu trên Coinmarketcap, thị trường hiện có hơn 6,5 nghìn tỷ Luna. Antoine kêu gọi mọi người cần đốt khoảng hai nghìn tỷ Luna để thay đổi giá của tiền số này. "Nếu bạn giữ hàng tỷ Luna và nghĩ rằng giá sẽ quay trở lại mức 1 USD, đó là điều là không thể với khối lượng giao dịch hiện tại", Antoine viết.

Thực tế, sau lời kêu gọi trên, token Luna đã tăng giá gấp đôi, từ mức 0,0001 USD lên hơn 0,0002 mỗi đồng. Khối lượng giao dịch cũng tăng hơn bốn lần, lên mức 2,2 tỷ USD hôm 22/5. Tuy nhiên, việc tăng giá được cho là do các nguyên nhân khách quan, chứ không chỉ là kết quả của việc đốt token nói trên.

Hành động tự đốt token cũng gặp nhiều ý kiến trái chiều. Bên cạnh các ý kiến ủng hộ, số khác cho rằng hành động này vô nghĩa, bởi các nhà đầu tư nhỏ nắm giữ lượng Luna chưa đến 1% tổng cung. Một số nghi ngờ địa chỉ ví mà Kwon gửi có thực sự là ví chết không, hay số tiền mà mọi người "đốt" sẽ mang lại lợi ích cho chính những người chủ dự án.

Bản thân Do Kwon cũng không tin vào tác dụng của việc đốt token. "Tôi không nghĩ gửi token đến địa chỉ này để đốt là ý tưởng hay. Bạn sẽ mất đi số token của mình một cách vô ích", Kwon tweet sáng 23/5, khẳng định ông đã cảnh báo nhiều lần về vấn đề này.

Sau thông điệp trên, nhiều người tiếp tục phản ứng tiêu cực với Kwon khi ông chia sẻ địa chỉ đốt token, nhưng lại nói chúng không có tác dụng. "Mọi người liên tục hỏi về địa chỉ. Rất vui khi cung cấp vì mục đích thông tin, nhưng muốn làm rõ rằng bạn không nên đốt trừ khi bạn biết mình đang làm gì", Kwon viết.

Trước đó, đốt token cũng chính là một trong những phương án là Kwon đưa ra trong kế hoạch hồi sinh dự án Terra. Theo đề xuất, họ sẽ đốt gần như toàn bộ số Luna hiện có và chỉ giữ lại một tỷ token. Tuy nhiên, đội ngũ phát triển Luna hiện giữ lượng rất nhỏ token nên không thể tự đốt để đạt hiệu quả. Một đề xuất khác là phân tách dự án và tạo ra đồng Luna mới. Kế hoạch này đang trong quá trình bỏ phiếu, dự kiến có kết quả vào 25/5.

Cộng đồng Luna cũng từng đề xuất một phương án khác là tăng phí giao dịch 10% với đồng Luna. Có nghĩa, người dùng chuyển 100 Luna sẽ chỉ nhận được 90 đồng, 10 đồng còn lại sẽ bị đốt. Tuy nhiên Kwon phủ quyết phương án này vì cho rằng chúng phức tạp và sẽ làm các giao dịch bị chậm.

Nguồn: https://vnexpress.net/nguoi-choi-tu-dot-coin-mong-luna-tang-gia-4467004.html

Mới hơn Cũ hơn